Tập trung là một kĩ năng cần phải rèn luyện và cần thời gian để phát triển.
Để giúp trẻ tập trung chúng ta phải đảm bảo chúng ta tập trung đúng vào những gì ta muốn từ đứa trẻ. Chúng ta cần phải hiểu các biểu hiện của trẻ như hát vu vơ, nhón gót, mút tay,...Tại sao bạn muốn trẻ phải tập trung? Điều gì làm cho trẻ mất tập trung khi đó? Chẳng hạn, trẻ đang học với khối màu gỗ. Nhiệm vụ của trẻ là phải đặt đúng các khối màu gỗ vào vị trị của chúng, nhưng trong quá trình trẻ thực hiện, trẻ lại hát vu vơ, trẻ nhìn đi nơi khác, trẻ không nhìn vào khối màu và dừng việc đặt khối màu. Điều đó có nghĩa trẻ đang không tập trung vào nhiệm vụ. Và nguyên nhân khiến trẻ mất tập trung là việc hát vu vơ. Do đó, để giúp trẻ tập trung trở lại, chúng ta cần dừng hành vi hát vu vơ của trẻ.
Điều quan trọng là chúng ta phải cho trẻ đủ thời gian thực hành các hoạt động để trẻ có thể tập trung và đảm bảo tính tự lập của trẻ càng nhiều càng tốt. Ví dụ, trẻ cầm khối gỗ trên tay nhưng chưa đặt chúng vào vị trí, điều quan trọng không phải là ép trẻ phải đặt khối gỗ vào ngay lúc đó. Điều đó vô tình làm trẻ trở nên lệ thuộc vào bạn. Thay vào đó, bạn sẽ đếm khoảng từ 5 đến 7 giây, nếu sau đó trẻ vẫn cầm khối gỗ trên tay, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở trẻ bằng cách nắm lấy tay trẻ giúp trẻ đặt khối gỗ. Bạn hãy cố gắng đừng làm thay trẻ để tạo cho trẻ sự tự lập trong hoạt động của trẻ.
Cần giảm thiểu sự xáo trộn trong cuộc sống hằng ngày và để cho trẻ biết được những gì sẽ được thực hiện. Thường thì bố mẹ đưa trẻ từ nơi này sang nơi khác mà không nói cho trẻ biết trẻ sẽ được đi đâu và sẽ làm gì. Nên cho trẻ biết trẻ cần phải làm gì và tập cho trẻ quen với việc đó. Tốt nhất, hãy có một thời gian biểu cụ thể cho trẻ để hình thành thói quen trong hoạt động hằng ngày của trẻ.